HIển thị kết quả tìm kiếm HIển thị kết quả tìm kiếm

Quận Thanh Xuân: Những yêu cầu đối với bếp ăn tập thể
Ngày đăng 23/07/2020 | 07:00  | Lượt xem: 1368

1. Hồ sơ liên quan đối với cở sở dịch vụ ăn uống loại hình bếp ăn tập thể

- Có giấy đăng ký kinh doanh hợp pháp theo quy định của pháp luật đúng ngành nghề đăng ký về kinh doanh dịch vụ ăn uống (nếu có).

- Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP/ Bản cam kết đảm bảo ATTP (đối với BATT không có giấy đăng ký kinh doanh).

 - Người đứng đầu đơn vị - Chủ cơ sở và tất cả nhân viên trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm có phiếu khám sức khỏe có dán ảnh, có giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP của chủ cơ sở.

- Có phiếu kết quả xét nghiệm nguồn nước sử dụng trong chế biến thực phẩm theo quy định.

- Có hồ sơ lưu giữ đầy đủ nguồn gốc các thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm sử dụng để chế biến bao gồm các hợp đồng mua nguyên liệu, các hóa đơn chứng từ và sổ theo dõi, kiểm tra thực phẩm, nguyên liệu mua, nhập hàng ngày.

- Có sổ kiểm thực ba bước theo quy định, sổ này phải được cập nhật hàng ngày. Có sổ lưu mẫu thức ăn theo quy định.

2. Yêu cầu về điều kiện cơ sở

2.1. Yêu cầu đối với cơ sở

a) Địa điểm, môi trường:

- Cơ sở hạ tầng phải tách biệt khỏi những nơi bẩn như cống nước thải, nơi nuôi động vật, nơi đổ rác…

- Cần xem xét các nguồn ô nhiễm tiềm ẩn ảnh hưởng tới thực phẩm khi quyết định chọn vị trí xây dựng khu nhà bếp, cụ thể nhà bếp phải ở xa:

+ Khu vực chế biến, nấu ăn không bị ngập nước, đọng nước.

+ Không bị ảnh hưởng bởi động vật, côn trùng vi sinh vật gây hại.

+ Không bị ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm từ các khu vực ô nhiễm bụi, hóa chất độc hại và các nguồn ô nhiễm khác.

b) Thiết kế, bố trí nơi chế biến, nấu nướng:

- Bố trí quy trình chế biến – nấu nướng theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng. Diện tích đảm bảo phù hợp với số lượng xuất ăn.

- Các khu vực có kích thước phù hợp.

- Giữa các khu vực có ngăn cách riêng biệt.

- Yêu cầu thiết kế, bố trí bảo đảm thuận tiện cho làm vệ sinh, khử trùng, không tạo nơi ẩn náu cho côn trùng và động vật gây hại.

c) Kết cấu:

- Nhà kho, các phòng, khu vực nhà bếp được xây dựng bằng vật liệu đảm bảo thuận tiện cho việc lau rửa và xử lý vệ sinh.

- Vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm phải bảo đảm tạo ra bề mặt nhẵn, không thấm nước, không thôi nhiễm chất độc hại ra thực phẩm, ít bị bào mòn bởi các chất tẩy rửa, tẩy trùng và dễ lau chùi, khử trùng.

- Trần nhà phẳng, sáng màu, không bị dột, thấm nước, không bị rạn nứt, không bị dính bám các chất bẩn và dễ làm vệ sinh.

- Nền nhà phẳng, nhẵn, chịu tải trọng, không gây trơn trợt, thoát nước tốt, không thấm, đọng nước và dễ làm vệ sinh.

-  Cửa ra vào, cửa sổ bằng vật liệu chắc chắn, nhẵn, ít thấm nước, kín, phẳng thuận tiện cho việc làm vệ sinh, bảo đảm tránh được côn trùng, vật nuôi xâm nhập.

Hệ thống chiếu sáng: Các bóng đèn chiếu sáng phải được che chắn an toàn bằng hộp, lưới để tránh bị vỡ và bảo đảm các mảnh vỡ không rơi vào thực phẩm.

đ) Có đủ nước để chế biến thực phẩm và phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng ăn uống số 01:2009/BYT và có đủ nước để vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ và vệ sinh cơ sở và phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt số 02:2009/BYT. Xét nghiệm nước định kỳ theo quy định.

e) Hệ thống xử lý chất thải: Có đủ dụng cụ chứa chất thả và vật phẩm không ăn được, bảo đảm kín, có nắp đậy và được cọ rửa thường xuyên.

f) Có phòng thay quần áo, phòng rửa tay, nhà vệ sinh và thiết bị làm vệ sinh, khử trùng.

i) Có hệ thống cống rãnh kín, không ứ đọng nước.

k) Thiết bị và đồ chứa phải được sắp xếp đúng nơi quy định, theo chuỗi công việc.

2.2. Yêu cầu đối với trang thiết bị, dụng cụ

- Trang thiết bị, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm phải được bảo đảm an toàn, được làm bằng vật liệu không gây ô nhiễm thực phẩm dễ làm sạch, khử trùng, bảo dưỡng, có găng tay sạch sử dụng một lần khi tiếp xúc với thức ăn.

- Được chế tạo bằng vật liệu không độc, ít bị bào mòn, không bị han gỉ, koong thôi nhiễm các chất độc hại vào thực phẩm, không gây mùi lạ hay làm biến đổi thực phẩm.

- Các dụng cụ thiết bị chủ yếu:

+ Bàn chế biến: Nên phủ bằng kim loại không gỉ, không thôi nhiễm hoặc dùng bàn đá.

+ Thớt: Làm bằng gỗ rắn hoặc nhựa chuyên dùng, có thớt riêng cho chế biến thực phẩm sống và thực phẩm chín.

+ Nồi xoong, chảo, bát, đĩa, muôi, đũa…: Bằng thiết bị không gỉ, không thôi nhiễm vào thực phẩm, đảm bảo ATTP.

+ Dao: Có dao sử dụng riêng cho TP sống và TP chín.

+ Các trang thiết bị dụng cụ nhà bếp phải đảm bảo thích hợp với từng loại TP, dễ bảo trì, dễ lau rửa, không thôi nhiễm vào TP.

- Các chất tẩy rửa và sát trùng: Chỉ sử dụng các hóa chất tẩy rửa, sát trùng theo quy định của Bộ Y tế.

2.3. Yêu cầu đối với người trực tiếp chế biến

- Người đứng đầu đơn vị - Chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến TP phải có giấy xác nhận kiến thức ATTP theo quy định.

- Người đứng đầu đơn vị - Chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến TP phải được khám sức khỏe và được cấp giấy xác nhận đủ sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế.

- Người đang mắc các bệnh hoặc chứng bệnh thuộc danh mục các bệnh hoặc chứng bệnh truyền nhiễm mà người lao động không được phép tiếp xúc trực tiếp trong quá trình chế biến thực phẩm.

- Người trực tiếp chế biến thực phẩm phải mặc trang phục bảo hộ riêng, đội mũ, đi găng chuyên dùng, đeo khẩu trang.

- Người trực tiếp chế biến thực phẩm phải tuân thủ các quy định về thực hành đảm bảo vệ sinh: giữ móng tay ngắn sạch sẽ và không đeo nhẫn, đồng hồ. Không hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực sản xuất thực phẩm.

3. Có đủ sổ sách ghi chép thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Có đủ dụng cụ lưu mẫu thức ăn, tủ bảo quản mẫu thức ăn và bảo đảm chế độ lưu mẫu thực phẩm tại cơ sở ít nhất là 24 giờ kể từ khi thức ăn được chế biến xong./.

 Phòng Y tế quận