HOẠT ĐỘNG HƯỞNG ỨNG NGÀY TOÀN DÂN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY 04/10
Vừa qua, UBND quận Thanh Xuân đã ban hành Kế hoạch số 320/KH-UBND về triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn quận.
Theo đó, mục đích của Kế hoạch nhằm đảm bảo tất cả 100% CTRSH phát sinh từ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn các phường thuộc quận đều được quản lý trong toàn bộ quá trình từ phân loại, thu gom, vận chuyển đưa đi xử lý, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động tái chế và giúp giảm khối lượng chất thải mang đi chôn lấp, tiết kiệm chi phí. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và từng bước hình thành ý thức, thói quen phân loại CTRSH tại nguồn ngay khi có phát sinh.
Thời gian thực hiện
Từ 20/11/2024 đến 31/12/2024: Xây dựng triển khai thực hiện kế hoạch.
Từ 01/01/2025: Triển khai tổ chức thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn theo hướng dẫn kỹ thuật tại Văn bản số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Phân loại chất thải rắn sinh hoạt
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Văn bản số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn kỹ thuật về phân loại CTRSH. CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được nhận diện và phân loại thành 04 nhóm chất thải chính như sau:
- Nhóm 01: Chất thải có khả năng tái chế, sử dụng (thuộc nhóm 1, từ mục 1.1 đến mục 1.8 Văn bản số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023) điển hình như: Các loại giấy thải, nhựa thải, kim loại thải, thủy tinh thải, vải đồ da thải; đồ gỗ đồ chơi, vật trang trí, đồ gia dụng, hộp, khay… bằng gỗ; cao su; thiết bị điện tử thải bỏ...
- Nhóm 02: Chất thải rắn nguy hại (thuộc nhóm 3, mục 3.1 Văn bản số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023) điển hình như: các loại bao bì đựng hóa chất; sơn, mực, chất kết dính; găng tay, giẻ lau dính dầu hoặc hóa chất…; bông băng, kim tiêm nhiễm khuẩn từ người bệnh; các loại pin, ắc quy, bóng đèn thải…
- Nhóm 03: Chất thải cồng kềnh (thuộc nhóm 3, mục 3.2 Văn bản số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023) điển hình như: vật dụng gia đình thải bỏ là tủ, bàn ghế, giường, nệm; tủ sắt, khung cửa, cánh của, cành cây, gốc cây...
- Nhóm 04: Chất thải còn lại (thuộc nhóm 2 và mục 3.3 của nhóm 3 văn bản số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023) điển hình như: thức ăn thừa, thực phẩm hết hạn sử dụng, các sản phẩm bỏ đi sau khi chế biến thức ăn, nước uống… và các loại chất thải rắn còn lại không nằm trong 3 nhóm trên.
Quy định về thu gom CTRSH sau khi phân loại
Đối với nhóm chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng: Chất thải phát sinh đựng trong các bao bì có sẵn hoặc bó gọn hoặc đựng vào túi trong suốt. Chủ nguồn thải chuyển cho đơn vị thực hiện công tác duy trì VSMT hoặc tích lũy đổi quà trong các chương trình đổi quà hoặc bán cho các đơn vị có chức tái chế để sử dụng.
Đối với chất thải nguy hại: Chất thải phát sinh được đựng vào túi màu vàng hoặc các bao bì màu xám, tạm lưu giữ trong gia đình để chuyển giao cho đơn vị duy trì VSMT thực hiện việc thu gom. Đơn vị duy trì VSMT thực hiện việc thu gom, vận chuyển vào ngày thứ Bảy hoặc Chủ nhật hàng tuần.
Đối với chất thải cồng kềnh: Khi phát sinh chất thải cồng kềnh, chủ nguồn thải phải làm gọn, giảm tối đa kích thước đảm bảo không quá 60 cm để chuyển giao cho đơn vị duy trì VSMT. Trong trường hợp chủ nguồn thải không làm gọn, giảm kích thước đảm bảo theo yêu cầu thì phải liên hệ, thỏa thuận và thuê đơn vị duy trì VSMT đến để thu gom riêng (chủ nguồn thải trả phí trực tiếp cho đơn vị duy trì VSMT).
Về thu gom: (1) Đối với chất thải cồng kềnh đã được làm gọn: đơn vị duy trì VSMT thực hiện thu gom hàng ngày. (2) Đối với chất thải cồng kềnh chưa làm gọn: đơn vị duy trì VSMT thực hiện thu gom theo thỏa thuận với chủ phát sinh chất thải.
Đối với chất thải còn lại: Chất thải còn lại được đựng trong bao bì hoặc túi có sẵn (khuyến khích sử dụng túi màu xanh lá cây và phân thành 2 loại: loại đựng chất thải thực phẩm và loại đựng chất thải còn lại khác đựng trong từng túi riêng), buộc chặt miệng túi để tránh phát tán mùi và chuyển giao cho đơn vị thu gom. Chủ nguồn thải chuyển cho đơn vị thu gom VSMT theo lịch hàng ngày.
UBND quận yêu cầu các đơn vị liên quan và các phường xác định việc phân loại CTRSH tại nguồn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác bảo vệ môi trường, cần tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và mọi tổ chức, cá nhân để thực hiện hiệu quả, đồng bộ thống nhất trong tất cả các khâu từ việc phân loại CTRSH tại nguồn đến công tác thu gom, vận chuyển đưa đi xử lý. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức tới các tổ chức và Nhân dân trên địa bàn; tăng cường tuyên truyền, vận động và hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân nghiêm túc thực hiện phân loại CTRSH đúng quy định.
Chi tiết Kế hoạch xem tại đây./.
Phòng Văn hóa và Thông tin quận