Skip to Content
GIỚI THIỆU CHUNG
TIN TỨC - SỰ KIỆN
Cải cách hành chính















ĐƯỜNG DÂY NÓNG

UBND Quận

Tiếp công dân

024.62933647

Giải quyết TTHC

024.38585652

An toàn thực phẩm

0868216873

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

User Online: 11842
Access in week: 65564
Access in month: 397083
Access in year: 397083
Total visited: 14760701

BÁO CHÍ VỀ TƯ TƯỞNG, VĂN HÓA BÁO CHÍ VỀ TƯ TƯỞNG, VĂN HÓA

Hồ Chí Minh: Người theo chủ nghĩa dân tộc hay chiến sĩ cộng sản?
Publish date 18/05/2020 | 10:30  | Lượt xem: 431

Hiện nay, trong khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và bạn bè quốc tế đang tổ chức các hoạt động trọng thể kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh thì các thế lực phản động, cơ hội chính trị lại tăng cường các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, nhằm phủ định tư tưởng và “hạ bệ thần tượng” Hồ Chí Minh. Một trong số đó là cáo buộc vô căn cứ khi cho rằng: Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc theo ý nghĩa tiêu cực.

Chủ nghĩa dân tộc là gì?

Theo Chủ nghĩa cộng sản khoa học-Từ điển quan niệm: Chủ nghĩa dân tộc-tâm lý, hệ tư tưởng, thế giới quan và chính sách thích những dân tộc này hơn những dân tộc khác, tán dương dân tộc mình, gây căm thù dân tộc và thù hằn chủng tộc” (1). Theo đó, chủ nghĩa dân tộc có nhiều thứ, từ chủ nghĩa sôvanh phát xít trắng trợn cho đến chủ nghĩa dân tộc tinh tế được che đậy bằng những lời lẽ Marxist sáo rỗng. Nó là chủ nghĩa sôvanh nước lớn của một dân tộc đi áp bức và khinh miệt các dân tộc khác, lại cũng là chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi của dân tộc bị áp bức, biểu hiện trong khuynh hướng khép kín và không tin vào các dân tộc khác. Mặt trái của chủ nghĩa dân tộc là chủ nghĩa thế giới của bọn đế quốc, tuyên truyền cho việc hòa tan các dân tộc và các sắc tộc vào trong các dân tộc “kiểu mẫu” (các dân tộc thống trị).

Về nguồn gốc và bản chất của chủ nghĩa dân tộc. Các quan hệ tư hữu và bóc lột đẻ ra chủ nghĩa dân tộc. Những đại diện của nó là giai cấp tư sản và tiểu tư sản. Chủ nghĩa dân tộc xa lạ với bản chất của giai cấp vô sản là giai cấp đại diện cho chủ nghĩa quốc tế. Về bản chất, chủ nghĩa dân tộc là thù địch với chủ nghĩa xã hội (CNXH), với thế giới quan Marxist-Leninist, nó mâu thuẫn với quá trình khách quan của sự phát triển và sự xích lại gần nhau của các dân tộc xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Về thái độ của người cộng sản chân chính đối với chủ nghĩa dân tộc. Đấu tranh chống chủ nghĩa dân tộc cũng là một tất yếu khách quan của cách mạng XHCN, của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; là sự bảo đảm thắng lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các dân tộc bị áp bức. Đúng như Lênin đã chỉ rõ, cuộc đấu tranh chống những thành kiến dân tộc chủ nghĩa “càng có ý nghĩa trọng đại khi vấn đề chuyển nền chuyên chính vô sản từ phạm vi quốc gia (tức là mới tồn tại ở trong một nước và không có khả năng quyết định được chính trị thế giới) thành chuyên chính vô sản trên quy mô quốc tế (tức là chuyên chính vô sản ít nhất cũng ở một số nước tiên tiến và có khả năng tác động quyết định đến toàn bộ chính trị thế giới), ngày càng trở nên bức thiết” (2).

Tìm đáp án câu hỏi “Chủ nghĩa dân tộc là gì?” ở trên và đối chiếu với trả lời nhà báo quốc tế vào tháng 12-1965 của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nói rằng lúc còn thanh niên, tôi theo “chủ nghĩa dân tộc”, có lẽ không đúng. Vì hồi đó tôi chỉ biết thương đồng bào tôi, chứ chưa biết “chủ nghĩa” gì cả. Khi đi sang châu Phi, tôi thấy nhân dân thuộc địa ở đây cũng cực khổ, cũng bị áp bức, bóc lột như nhân dân Đông Dương. Khi sang các nước châu Âu, tôi thấy ở đó cũng có một số người rất giàu, “ngồi mát ăn bát vàng”, và lớp người nhân dân lao động rất nghèo khổ. Tôi suy nghĩ nhiều lắm. Trong lúc đó thì Cách mạng Tháng Mười vĩ đại thành công ở Nga. Lênin tổ chức Quốc tế Cộng sản. Rồi Lênin phát biểu Luận cương cách mạng thuộc địa. Những việc đó làm cho tôi thấy rằng: Nhân dân lao động Đông Dương, nhân dân các thuộc địa và nhân dân lao động muốn tự giải phóng thì phải đoàn kết lại và làm cách mạng. Vì vậy, tôi trở nên người theo Chủ nghĩa Mác-Lênin” (3) là luận cứ khoa học quan trọng nhằm bác bỏ luận điệu sai trái: Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc khi họ đồng nhất “chủ nghĩa dân tộc” trong tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa dân tộc sôvanh, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, mang bản chất của giai cấp tư sản. Về vấn đề này, không ai khác và hơn ai hết, Hồ Chí Minh là người kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa dân tộc tư sản; vì vậy, tán thành bản Tuyên bố của Hội nghị đại biểu các Đảng cộng sản và công nhân các nước XHCN, họp ở Moscow từ ngày 14 đến 16-11-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Bản Tuyên bố nhắc nhở chúng ta cần phải tăng cường giáo dục theo tinh thần Chủ nghĩa Mác-Lênin và đấu tranh chống những khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa như chủ nghĩa dân tộc tư sản, chủ nghĩa sôvanh, chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa xét lại, đặc biệt là chủ nghĩa xét lại” (4).

Nhân dân bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng vui mừng chào đón Bác Hồ về thăm, ngày 20-2-1961. Ảnh: Tư liệu TTXVN.

Hồ Chí Minh có phải người theo chủ nghĩa dân tộc không?

Câu trả lời dứt khoát là “CÓ”-nhưng đó là chủ nghĩa dân tộc vô sản-tức là không như các thế lực phản động, các phần tử cơ hội chính trị, thoái hóa, bất mãn ở trong, ngoài nước vẫn xuyên tạc và cáo buộc. Cùng quan điểm này, tác giả Dương Quốc Dũng đã kết luận thực chất đó trong bài viết cùng tên Chủ nghĩa dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh thực chất là chủ nghĩa dân tộc vô sản đăng trên Tạp chí Cộng sản, ngày 19-5-2011; đồng thời khẳng định sự sai lầm về nhận thức, tính phản động về tư tưởng và sự nguy hại của luận điệu trên: “Kết luận trên cũng có nghĩa là luận điểm “thực chất tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa dân tộc” là một cách hiểu và diễn đạt không chính xác, không đầy đủ và xuyên tạc tư tưởng của Người. Luận điểm sai trái ấy đi ngược lại lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với CNXH-tư tưởng chỉ đạo chiến lược lớn xuyên suốt cả quá trình cách mạng Việt Nam. Rõ ràng luận điểm ấy muốn Việt Nam từ bỏ ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, từ bỏ con đường mà dân tộc ta đã lựa chọn và quyết hy sinh phấn đấu trong hơn 80 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam” (5). Theo đó, cũng rút ra kết luận Chủ tịch Hồ Chí Minh là chiến sĩ cộng sản chân chính.

Đâu là sự thật? Chỉ có một sự thật là: Chủ nghĩa dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh thực chất là chủ nghĩa dân tộc vô sản. Chính vì vậy, từ rất sớm, năm 1924, trong Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, tại mục "D. Chủ nghĩa dân tộc", Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiên đề cập và khẳng định vai trò của chủ nghĩa dân tộc chân chính: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước. Chính nó đã gây nên cuộc nổi dậy chống thuế năm 1908, nó dạy cho những người cu li biết phản đối; nó làm cho những người “nhà quê” phản đối ngầm trước thuế tạp dịch và thuế muối. Cũng chủ nghĩa dân tộc đã luôn luôn thúc đẩy các nhà buôn An Nam cạnh tranh với người Pháp và người Trung Quốc; nó đã thúc giục thanh niên bãi khóa, làm cho những nhà cách mạng trốn sang Nhật Bản và làm vua Duy Tân mưu tính khởi nghĩa năm 1917…” (6).

Về mặt thực tiễn, chính chủ nghĩa dân tộc chân chính đã làm nên sức mạnh Việt Nam Độc lập Đồng minh (tên chính thức trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương), còn gọi là Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội, hay gọi tắt là Việt Minh, là liên minh chính trị do Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập ngày 19-5-1941 với mục đích công khai là “Liên hiệp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, đang cùng nhau đánh đuổi Nhật-Pháp, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng lên một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”-một tổ chức có mục tiêu lý tưởng cao cả. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tán thành và dẫn lại lời Giáo sư Giugơlát khi cho rằng: “Pháp không thể tẩy được Việt Minh một lẽ là vì chính trị Pháp lu mờ. Lực lượng của Việt Minh trước hết là một lực lượng tinh thần, họ là xương thịt của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam. Một lực lượng nữa của Việt Minh là những lãnh tụ của nó chẳng những hy sinh tất cả cho lý tưởng của họ mà lại có tài chỉ huy, thạo cách điều khiển chính quyền, và cực kỳ liêm khiết” (7). Đó là lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, lý tưởng cao đẹp nhất mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Trong bài viết Con đường dẫn tôi đến Chủ nghĩa Lênin đăng trên Báo Nhân Dân, số 2226, ngày 22-4-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định một sự thật không thể xuyên tạc được, đó là: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác-Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có CNXH, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ. Ở nước ta và ở Trung Quốc cũng vậy, có câu chuyện đời xưa về cái “cẩm nang” đầy phép lạ thần tình. Khi người ta gặp những khó khăn lớn, người ta mở cẩm nang ra, thì thấy ngay cách giải quyết. Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới CNXH và chủ nghĩa cộng sản” (8).

Đây không chỉ khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là người luôn kiên trì theo chủ nghĩa dân tộc vô sản và bản thân Người được nhân loại tiến bộ thừa nhận là chiến sĩ lỗi lạc trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; mà còn là bằng chứng đanh thép, là cơ sở khoa học để bác bỏ luận điệu cho rằng Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc. Do vậy, khi cho rằng "tư tưởng Hồ Chí Minh thực chất là chủ nghĩa dân tộc" là một cách diễn đạt thiếu chính xác, không đầy đủ, là sai lầm về mặt lý luận, phản động về mặt thực tiễn và đã bị thực tiễn bác bỏ.

Nguồn: Thanhuyhanoi.vn

Bản đồ số

Bình chọn Bình chọn

Khả năng đáp ứng thông tin của Cổng TTĐT ?