Skip to Content
GIỚI THIỆU CHUNG
TIN TỨC - SỰ KIỆN
Cải cách hành chính















ĐƯỜNG DÂY NÓNG

UBND Quận

Tiếp công dân

024.62933647

Giải quyết TTHC

024.38585652

An toàn thực phẩm

0868216873

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

User Online: 5930
Access in week: 123290
Access in month: 454809
Access in year: 454809
Total visited: 14818427

BÁO CHÍ ĐỒNG HÀNH CÙNG QUẬN THANH XUÂN BÁO CHÍ ĐỒNG HÀNH CÙNG QUẬN THANH XUÂN

Nghệ nhân Nhân dân Phan Thị Kim Dung - Người góp phần gìn giữ, lan tỏa âm nhạc dân gian
Publish date 26/11/2024 | 22:35  | Lượt xem: 346

[VOV2] - "Tôi mong rằng, nghệ thuật truyền thống sẽ lan tỏa bay xa, bay cao, để cho nhiều người cùng biết, cùng chung tay bảo tồn, để không bao giờ mai một", Nghệ nhân Nhân dân Phan Thị Kim Dung bày tỏ.

Làng Mọc Quan Nhân (còn gọi là Kẻ Mọc), nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội từ lâu đã được biết đến là một trong những vùng đất có truyền thống văn hóa nghệ thuật bậc nhất Hà Thành. Thế nhưng, vì một số lý do mà phong trào văn hóa văn nghệ ở đây đã có thời gian dần bị mai một.

Thật mừng là có một nghệ nhân dù chẳng phải quê gốc nơi đây nhưng đã nỗ lực tìm cách hồi sinh âm nhạc truyền thống bằng việc truyền dạy miễn phí các loại hình xẩm, chèo cổ, chầu văn, hát văn... cho các thế hệ người dân trong làng, góp phần cổ vũ, bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là Nghệ nhân Nhân dân Phan Thị Kim Dung.

NNND Phan Thị Kim Dung (áo dài hồng đứng giữa) cùng Ban lãnh đạo CLB Dân ca làng Mọc, Quan Nhân

NNND Kim Dung sinh năm 1951 trong một gia đình có truyền thống ca hát tại huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. 73 năm tuổi đời, bà đã có hơn 60 năm gắn bó với hát Xẩm và Dân ca. Đam mê, cống hiến hết mình, NNND Kim Dung đã gặt hái được nhiều thành công. Năm 2010, bà giành Huy chương vàng Hội thi Hát văn khu vực Đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất, được công nhận là Nghệ nhân Dân gian.

Năm 2015, bà giành Huy chương Vàng hát Xẩm Nhị tình lời cổ tại Liên hoan Nghệ thuật quần chúng Đàn, Hát dân ca của Bộ VHTTDL. Giải A tại Liên hoan Dân ca dân vũ do Sở Văn hóa Thể thao thành phố Hà Nội tổ chức năm 2016. Được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Nhất loại hình hát Xẩm.

Trong 2 năm 2018-2019, NNND Kim Dung giành giải Ba hát Xẩm miền Bắc do Bộ VHTT&DL tổ chức, giải A1 trong Liên hoan Hát văn và Hát chầu văn do Cục Văn hóa cơ sở tặng. Được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen về “Xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”. UBND quận Thanh Xuân tặng Giấy khen về thành tích trong xây dựng và phát triển Hội Người khuyết tật, Giấy khen về thành tích “Giữ gìn bản sắc và văn hóa dân tộc”.

Năm 2021 bà được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt việc tốt”. Năm 2022 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân vì có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Năm 2024, NNND Kim Dung được UBND TP. Hà Nội vinh danh là Công dân Ưu tú Thủ đô.

Đã thành thông lệ, cứ vào tối thứ 6 hàng tuần, CLB Dân ca làng Mọc Quan Nhân lại rộn ràng lời ca, tiếng hát của các ông, các bà, các chị. Dù độ tuổi khác nhau nhưng ai cũng nhiệt tình luyện tập, tất cả chỉ bởi hai chữ say mê. Hơn 15 năm nay, CLB đã trở thành điểm hẹn văn hóa quen thuộc của những nghệ sĩ không chuyên yêu thích làn điệu dân ca.

Ông Phí Quang Rạng, người đã có 7 năm gắn bó với CLB chia sẻ, khi còn công tác, mặc dù rất yêu ca hát, nhất là những làn điệu dân ca cổ truyền nhưng vì công việc nên ông chưa có cơ hội để thoả mãn niềm đam mê của mình. Từ khi tham gia sinh hoạt và được Nghệ nhân Kim Dung, Chủ nhiệm CLB hướng dẫn, ông lại càng yêu vốn văn hoá cổ truyền của dân tộc.

"Dưới sự hướng dẫn của NNND Kim Dung, ai có năng khiếu gì thì thể hiện năng khiếu đó. Cô rất nhiệt tình, tận tâm, cặn kẽ từng câu, từng chữ một. Phân vai các tiết mục cũng rất rõ ràng, nhìn nhận các thành viên có năng khiếu gì, mặt mạnh gì để phân vai. Khi đến CLB cũng như các sân diễn là nghệ nhân đều cháy hết mình và cống hiến hết mình trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa của CLB" - Ông Phí Quang Rạng chia sẻ.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật, ngay từ nhỏ, bà đã được cha (cũng là một nghệ nhân nổi tiếng) trao truyền cho những điệu hát xẩm, hát chèo, hát văn. Được truyền dạy kỹ càng về nghệ thuật hát, về nội dung của các làn điệu, bà đã đạt được nhiều thành tích cho quê hương. Bà cũng may mắn được tham dự lớp học hát xẩm của nghệ nhân Hà Thị Cầu giảng dạy cho Đoàn chèo Hà Nam (cũ) và sau này còn được sự chỉ bảo của nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch - một trong những gương mặt gạo cội của làng âm nhạc dân gian Việt Nam.

NNND Kim Dung (giữa) trong một tiết mục tiểu diễn

Năm 1995, khi theo chồng và các con lên Hà Nội sinh sống tại làng Nhân Chính (nay là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội), niềm đam mê từ thuở nhỏ ấy của nghệ nhân tiếp tục được nối dài. Với mong ước lan tỏa sức sống của âm nhạc dân gian trong đời sống cộng đồng, nghệ nhân đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để truyền dạy những lời ca, điệu hát cổ truyền cho người dân ở làng Mọc Quan Nhân, nơi bà coi là quê hương thứ hai của mình.

Niềm say mê, mong mỏi của bà đã trở thành hiện thực khi CLB Dân ca làng Mọc Quan Nhân chính thức được thành lập (ngày 19/5/2009). Từ hơn chục thành viên thuở ban đầu đều là những diễn viên không chuyên, phần lớn là những người đã lên ông, lên bà, đến nay số hội viên của CLB đã ngót nghét 50 người, trong đó có cả các cháu thiếu niên nhi đồng.

Hàng tuần, vào những buổi sinh hoạt định kỳ, nghệ nhân ưu tú Kim Dung lại say sưa truyền dạy cho các hội viên trong CLB kỹ năng biểu diễn hát xẩm, các làn điệu dân ca, quan họ, hát chèo, hát văn… và cả các điệu múa dân gian. Bên cạnh đó, bà còn dạy cho học viên diễn xuất các vai trong nhiều vở chèo cổ, hát xẩm như: Thị Màu lên chùa, Tuần ti Đào Huế, xẩm chợ…

NNND Kim Dung và các thành viên của CLB

Vì yêu thích những làn điệu dân ca cổ như chèo, xẩm, hát văn do CLB Dân ca biểu diễn qua những dịp lễ hội của làng, bà Đặng Tuấn Hà đã tìm hiểu và quyết định đăng ký tham gia. Bà chia sẻ, thuở nhỏ, bà đã rất thích ca hát, nhất là dân ca cổ, tuy nhiên, có bao nhiêu làn điệu thì bà không nhớ hết được. Dưới sự hướng dẫn cặn kẽ, tỉ mỉ của NNND Kim Dung, bà đã thấy được cái hay, cái tinh tế ẩn chứa trong từng lời ca, tiếng hát.

Đến giờ, bà Đặng Tuấn Hà có thể thành thạo các kỹ thuật nhịp phách, múa quạt, từ cách lấy hơi, nhả chữ, luyến láy và thuộc lòng các làn điệu khó như: Thập ân, Trống quân, Xẩm chợ, Xẩm huê tình, Tàu điện…đến các làn điệu dân ca, quan họ, chèo cổ và các điệu múa dân gian. Đó thực sự là quá trình trải nghiệm thật khó quên đối với bà.

"Chị chỉ bảo rất tận tình, dạy tôi từng câu một, nhờ vậy tôi đã biết được rất nhiều các làn điệu. Phải tham gia vào mới biết được, thấy được những cái hay, cái tinh tế của nó. Có rất nhiều những điều mà nếu như mình càng biết thêm thì mình mới thấy cái giá trị vì sao mà suốt từ ngày xưa nó lại không biến mất" - bà Đặng Tuấn Hà chia sẻ.

NNND Kim Dung (thứ 2 từ trái sang) tại cuộc giao lưu "Phụ nữ Thủ đô Tự tin - Hội nhập - Kết nối thành công"

Không chỉ gặt hái được những mùa quả ngọt khi đảm đương vai trò “nhạc trưởng” CLB Dân ca làng Mọc Quan Nhân, NNND Kim Dung còn rất năng động, tích cực và tận tâm lan tỏa âm nhạc dân gian đến với mọi người. Đặc biệt là trực tiếp đứng lớp để truyền lửa cho những cô cậu học trò nhỏ tuổi.

"Trong bối cảnh mà âm nhạc cổ truyền đang có nguy cơ bị mai một, nhiều người trẻ không mặn mà với âm nhạc dân tộc thì việc thu hút và gieo được niềm say mê âm nhạc cổ truyền cho các em nhỏ với tôi vừa là thách thức vừa là một động lực. Những thành quả mà các cháu đã “gặt hái” được qua những kỳ cuộc, hội thi chính là một sự động viên to lớn đối với tôi. Nó là động lực để tôi tiếp tục lan tỏa niềm đam mê đến với mọi tầng lớp nhân dân, góp phần gìn giữ, bảo tồn các môn nghệ thuật truyền thống” - NNND Kim Dung bộc bạch.

NNND Kim Dung trong một buổi dạy các em nhỏ

Bà Đinh Thị Nhung, thành viên CLB chia sẻ, ở CLB Dân ca làng Mọc Quan Nhân, các học viên có nghề nghiệp khác nhau và đều đã lên chức ông bà. Mọi người gặp nhau ở tình yêu ca hát. Nhiều người mới làm quen với làn điệu và các loại nhạc cụ nên việc gõ phách, múa quạt, hát theo nhạc là điều hoàn toàn mới mẻ. Tuy nhiên, NNND Kim Dung luôn có cách truyền đạt dễ hiểu, giúp các thành viên cảm thấy hứng thú, say mê mỗi khi luyện tập.

"Vào CLB thì là mình được chị Dung dạy cho các làn điệu múa, hát văn, hát xẩm nó rất đi vào tâm trí của tôi. Tôi học rất nhanh sau đó thì tôi cũng biết hát và cũng biết múa mà lại thấy mọi người khen là hay và dẻo. Các anh, các chị ở đây ai biết cái gì thì truyền đạt lại cho con người không biết và dìu dắt nhau cùng múa hát, cùng sinh hoạt rất chu đáo" - Bà Nhung chia sẻ.

NNND Kim Dung không giấu nổi niềm xúc động khi được công nhận là một trong những Công dân Thủ đô tiêu biểu năm 2024. Bà khẳng định, vinh dự này không chỉ là thành quả của riêng mình, mà còn là sự tri ân đối với những bậc tiền bối đã dạy dỗ và hướng dẫn bà trên con đường nghệ thuật, cũng như sự ủng hộ của cộng đồng trong hành trình bảo tồn văn hóa dân tộc. Với bà, danh hiệu này là một động lực to lớn để tiếp tục truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, khơi dậy niềm đam mê và tình yêu với di sản văn hóa dân tộc.

Dù đã bước sang tuổi xế chiều, NNND Kim Dung vẫn tiếp tục cống hiến không ngừng nghỉ. Bà không chỉ dạy hát, truyền nghề mà còn tham gia vào các hoạt động bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân gian. Bà luôn mong và tin rằng, những nỗ lực nhỏ bé của mình sẽ góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhìn lại quãng đường đã qua, NNND Kim Dung cảm thấy tự hào vì những gì mình đã cống hiến.

(https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/nguoi-gop-phan-gin-giu-lan-toa-am-nhac-dan-gian-50995.vov2)

Bản đồ số

Bình chọn Bình chọn

Khả năng đáp ứng thông tin của Cổng TTĐT ?