Skip to Content
 
        
GIỚI THIỆU CHUNG
TIN TỨC - SỰ KIỆN
Cải cách hành chính















ĐƯỜNG DÂY NÓNG

UBND Quận

Tiếp công dân

024.62933647

Giải quyết TTHC

024.38585652

An toàn thực phẩm

0868216873

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

User Online: 983
Access in week: 10207
Access in month: 255704
Access in year: 3633536
Total visited: 14259155
Địa điểm di tích cách mạng nhà cụ Nguyễn Hải Hoành
Publish date 13/06/2014 | 10:00  | Lượt xem: 2229

Địa điểm di tích cách mạng nhà cụ Nguyễn Hải Hoành hiện nay ở số 27, ngõ 27, đường Nguyễn Trãi, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân.

- Gia đình cụ Nguyễn Hải Hoành trong năm 1944-1945 đã không ngại nguy hiểm, nêu cao tinh thần yêu nước, sẵn sàng giúp đỡ cách mạng. Gia đình cụ đã nuôi giấu cán bộ Đảng Cộng sản về giác ngộ cách mạng cho đoàn Hướng đạo sinh, là nơi cán bộ Thành uỷ về bắt liên lạc, chỉ đạo, xây dựng lực lượng Thanh niên Cứu quốc vùng ngoại thành và là nơi cất giấu vũ khí cho cách mạng.

- Đặc biệt, gia đình cụ Hoành còn là một trong những địa điểm in báo Hồn nước - cơ quan ngôn luận của Đội Thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu. Do tình hình lịch sử lúc đó, việc in tờ báo Hồn nước phải thực hiện bí mật, tốn nhiều thời gian và công sức. Số Báo đầu tiên in tại nhà đồng chí Trần Thư (tức Nguyễn Văn Cung) số 15 Hàng Phèn, tháng 2-1945 chuyển đến nhà cụ Nguyễn Hải Hoành. Tại đây, gia đình cụ Hoành đã làm một gian nhà đơn sơ để cất giữ dụng cụ và in báo bí mật. Mỗi lần in phải mài tấm đá, rửa sạch rồi viết ngược lên mặt đá bằng một loại mực đặc biệt, sau đó rửa bằng nước chanh, lau nước đường cho mực in không bị dính lên mặt đá, tiếp tục lăn mực để mực in chỉ bắt vào chữ viết rồi đặt lên giấy lăn tiếp. Kỳ công như vậy nhưng mỗi lần chỉ in được 70 tờ. Sau khi in thành công một số tờ thì địa điểm in nhà cụ Hoành bị lộ. Nguyên nhân là do anh hàng xóm lấy lý do mất gà, đêm đến đi soi tìm thì phát hiện công nhân đang làm việc. Bị lộ nên tờ báo Hồn nước phải chuyển địa điểm in đến nơi khác.

- Ngoài in báo Hồn nước, tại nhà cụ Hoành, nhiều truyền đơn, áp phích và tài liệu cũng được in ấn, như hai tấm áp phích khổ lớn: Ủng hộ dân quân, đánh đuổi Nhật Pháp, Tên chó săn Võ Văn Cầm phải đền tội. Những ấn phẩm này ra đời đã thực sự góp phần cổ vũ tinh thần yêu nước cho thanh niên thành phố Hà Nội đứng lên cứu nước trong cao trào cách mạng những năm 1944-1945.

- Tháng 3 năm 1945, phát xít Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương. Nắm bắt được tình hình và chớp thời cơ thuận lợi, Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh tiến hành họp Hội nghị tại Tân Trào (Tuyên Quang) quyết định tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Tại Hà Nội, ngày 17-8-1945 đồng chí Nguyễn Quyết, Bí thư Thành uỷ đã cho triển khai Hội nghị ở Dịch Vọng (nay thuộc quận Cầu Giấy) và quyết định lấy ngày 19-8-1945 tiến hành Tổng khởi nghĩa toàn Thành phố. Thực hiện nhiệm vụ cách mạng, đồng chí Lê Đức Vân được đồng chí Quyết giao nhiệm vụ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa vùng ngoại thành, đã tổ chức cuộc họp triển khai kế hoạch khởi nghĩa các xã ven nội thành tại nhà cụ Hoành. Sáng sớm ngày 19-8, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Vân, Đội Tự vệ xung phong làng Mọc kết hợp với Đội thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa chiếm Đại lý Hoàn Long (Đại lý Đặc biệt thành Hà Nội). Sau đó, đoàn biểu tình tiếp tục tiến vào nội thành tham dự cuộc mít tinh và biểu tình tuần hành của nhân dân toàn thành phố, lật đổ chính quyền bù nhìn và tay sai.

- Những đóng góp cho cách mạng của gia đình cụ Hoành đã góp phần nhỏ bé vào thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ghi nhận những đóng góp ấy, Thủ tướng Chính phủ đã ban tặng Bằng khen cho gia đình cụ Hoành. Gia đình cụ đã thực sự trở thành địa chỉ về một gia đình có truyền thống cách mạng hào hùng, qua đó giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

- Ngày 26-11-2009, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ký Quyết định số 6130/QĐ - UBND về việc gắn biển Địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến nhà cụ Nguyễn Hải Hoành, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân Hà Nội, và giao Ủy ban nhân dân phường Nhân Chính có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, phối hợp với các sở ban ngành có liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu giá trị lịch sử và giáo dục truyền thống cách mạng của di tích.

 

Bản đồ số

Bình chọn Bình chọn

Khả năng đáp ứng thông tin của Cổng TTĐT ?