Bảo tàng Phòng không - Không quân: Nơi khơi dậy lòng tự hào dân tộc - Di tích cách mạng - kháng chiến và lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - Cổng thông tin điện tử quận Thanh Xuân
Skip to Content
 
        
GIỚI THIỆU CHUNG
TIN TỨC - SỰ KIỆN
Cải cách hành chính















ĐƯỜNG DÂY NÓNG

UBND Quận

Tiếp công dân

024.62933647

Giải quyết TTHC

024.38585652

An toàn thực phẩm

0868216873

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

User Online: 1645
Access in week: 41958
Access in month: 15586
Access in year: 15586
Total visited: 14379204
Bảo tàng Phòng không - Không quân: Nơi khơi dậy lòng tự hào dân tộc
Publish date 13/07/2022 | 17:00  | Lượt xem: 5269

Bảo tàng Phòng không - Không quân được thành lập ngày 22/10/1963, có tổng diện tích trưng bày là 19.200m2. Từ ngày 01/4/1979 cho đến nay, Bảo tàng mở cửa đón khách tham quan tại 173c Trường Chinh, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Đây là Bảo tàng chuyên ngành lịch sử quân sự nằm trong hệ thống các Bảo tàng lực lượng vũ trang, xếp hạng hai trong hệ thống Bảo tàng quốc gia Việt Nam; là nơi nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, bảo quản và trưng bày các tư liệu, hiện vật trên mặt trận đối không; phục vụ nhu cầu giáo dục tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sỹ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, của Nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Quân chủng Phòng không - Không quân đã bắn rơi 2687 máy bay các loại, trong đó có 64 máy bay chiến lược B.52. Bộ đội Phòng không - Không quân có 147 lượt đơn vị, 145 lượt cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động. Được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 3 huân chương Sao vàng, 4 Huân chương Hồ Chí Minh, 3 Huân chương Độc lập hạng nhất, 3 Huân chương Quân công hạng nhất, hàng trăm, hàng nghìn Huân, Huy chương Quân công, chiến công, cờ thưởng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Bảo tàng gồm 02 phần trưng bày lớn đó là: Trưng bày ngoài trời và trưng bày trong nhà.

Phần trưng bày ngoài trời 16.000m2 trưng bày 04 bộ sưu tập hiện vật khối lớn (trong đó có 01 hiện vật Pháo cao xạ 37mm là Bảo vật quốc gia, giới thiệu về tấm gương của Khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện (Đại đội 827, Tiểu đoàn 394 đã anh dũng hy sinh cứu pháo của khẩu đội mình không bị lăn xuống vực tham gia chiến đấu và lập công xuất sắc), đây là những vũ khí đã lập công xuất sắc của 04 lực lượng: Pháo Phòng không, Không quân, Tên lửa, Ra đa; bệ, đạn Tên lửa Sam 2 bắn rơi máy bay B.52; một số loại vũ khí đế quốc Mỹ sử dụng trên chiến trường Việt Nam; bãii xác máy bay gồm nhiều kiểu loại máy bay của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ bị bộ đội Phòng không - Không quân bắn hạ. Đặc biệt khách tham quan được trải nghiệm và khám phá trong lòng máy bay trực thăng vận tải Mi-6.

Phần trưng bày trong nhà 3.200m2: Trưng bày theo tiến trình lịch sử phát triển của bộ đội Phòng không - Không quân (PK-KQ) với những hiện vật và hình ảnh giới thiệu những chiến công xuất sắc của bộ đội PK-KQ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và nhiệm vụ ngày nay của bộ đội PK-KQ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, gồm 08 đề mục lớn, 04 chuyên đề cố định, giới thiệu nhiều hiện vật, hình ảnh đặc sắc như: Bộ sưu tập hiện vật, hình ảnh trong sinh hoạt - chiến đấu của các chiến sĩ Trung đoàn pháo cao xạ 367 tham gia chiến đấu tại chiến dịch lịch sử Điện Biên phủ năm 1954, bộ đội ra đa phát sóng quản lý bầu trời lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, chiến thắng trận đầu ngày 05/8/1964; chiến công đầu của Không quân nhân dân Việt Nam tại Hàm Rồng (Thanh Hóa) ngày 03/4/1965; những hình ảnh, hiện vật về quá trình xây dựng, huấn luyện và ra quân đánh thắng trận đầu ngày 24/7/1965 của bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam; Huy hiệu Bác Hồ tặng cho các đồng chí lập công xuất sắc trong đó có “phi công Nguyễn Văn Cốc - phi công Việt Nam bắn rơi máy bay Mỹ nhiều nhất được tặng 9 huy hiệu Bác Hồ”; sáng kiến chống nhiễu của Quân chủng từ năm 1968-1972 đã được Đảng, Nhà nước tặng phần thưởng cao quý “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về khoa học kỹ thuật; những hình ảnh, hiện vật chiến đấu và bảo vệ giao thông tại chiến trường Quân khu IV, đường Trường Sơn và đặc biệt giới thiệu về chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972 - đây là trận đánh đỉnh cao của Bộ đội PK-KQ, hạ gục siêu pháo đài bay B.52 - thần tượng của không lực Hoa Kỳ, buộc đế quốc Mỹ chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán ký kết hiệp định Pari ngày 27/01/1973, chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương và phòng sa bàn điện tử giới thiệu về Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Cùng với đó, Bảo tàng trưng bày những hình ảnh, hiện vật về Quân chủng PK-KQ ngày nay “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” - là một trong những lực lượng nòng cốt của Quân đội nhân dân Việt Nam, sẵn sàng chiến đấu đánh thắng mọi kẻ thù nếu chúng liều lĩnh xâm phạm bầu trời, biển, đảo của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, Bảo tàng còn trưng bày giới thiệu về chuyến bay vũ trụ hợp tác quốc tế năm 1980, phi công Phạm Tuân là người Việt Nam đầu tiên, người châu Á đầu tiên bay vào Vũ trụ (thăm khoang đổ bộ vũ trụ của tàu liên hợp 36) và hình ảnh các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy của bộ đội Phòng không - Không quân, các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, những phần thưởng cao quý Đảng, Bác Hồ, Quân đội, Quân chủng trao tặng cho bộ đội PK-KQ.  

* Địa chỉ Bảo tàng: Số 173C đường Trường Chinh, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội (cách Nhà hát múa rối 700 mét)

* Email: btpkkq171@gmail.com

* Điện thoại: 069. 56 23 22 - 069. 56 23 23

* Ngày mở cửa: Tất cả các ngày trong tuần (trừ thứ Sáu) - Riêng khách tham quan theo đoàn đăng ký trước sẽ phục vụ cả thứ Sáu.

* Giờ mở cửa: Sáng từ 8 giờ đến 11 giờ; Chiều từ 13 giờ đến 16 giờ.

Thứ 7, Chủ nhật: Phục vụ ngoài giờ khách lẻ tham quan ngoài trời: Chiều từ 16 giờ đến 18 giờ 30.

* Ngày đóng cửa trong năm: Tết Âm lịch

* Giám đốc: Vũ Danh Cương; ĐT: 0983.756315

* Phó Giám đốc: Nguyễn Thị Kim Cúc; ĐT: 0983. 324342

* Phụ trách bộ phận trưng bày  - tuyên truyền: Nguyễn Thu Hằng; ĐT : 0983.600253

* Hướng dẫn viên: Có đội ngũ hướng dẫn viên nhiệt tình, chu đáo.

* Tuyến đường đến Bảo tàng PK - KQ:

(1) Đường Láng -> Ngã Tư Sở -> Đường Trường Chinh

(2) Đường Tây Sơn -> Ngã Tư Sở -> Đường Trường Chinh

(3) Đường Chùa Bộc -> Đường Tôn Thất Tùng -> Đường Trường Chinh

(4) Đường Giải Phóng -> Ngã Tư Vọng ->  Đường Trường Chinh

(5) Đường Lê Trọng Tấn -> Đường Tôn Thất Tùng  ->  Đường Trường Chinh

* Phương tiện đến Bảo tàng PK - KQ:

- Các loại xe cá nhân và tập thể.

- Xe ôtô buýt: Số 12, 16, 19, 24.

Phòng Văn hóa và Thông tin quận

Bản đồ số

Bình chọn Bình chọn

Khả năng đáp ứng thông tin của Cổng TTĐT ?