Truy cập nội dung luôn
GIỚI THIỆU CHUNG
TIN TỨC - SỰ KIỆN
Cải cách hành chính















ĐƯỜNG DÂY NÓNG

UBND Quận

Tiếp công dân

024.62933647

Giải quyết TTHC

024.38585652

An toàn thực phẩm

0868216873

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang online: 759
Lượt truy cập trong tuần: 12631
Lượt truy cập trong tháng: 258128
Lượt truy cập trong năm: 3635960
Tổng số truy cập: 14261579
Dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4: Tạo bước đệm xây dựng thành phố thông minh
Ngày đăng 04/01/2021 | 14:39  | Lượt xem: 511

Hà Nội hiện có 1.055 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), đạt 55% thủ tục hành chính (TTHC) được triển khai. Việc đẩy mạnh ứng dụng DVCTT đã và đang đem lại những kết quả rõ nét trên nhiều mặt, đặc biệt trong việc thực hiện cải cách hành chính (CCHC), nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp và người dân. Đây được coi như một bước đi quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính quyền điện tử, tiến tới xây dựng thành phố Hà Nội thành Thành phố thông minh.

Nhiều cách làm sáng tạo đạt hiệu quả

Hơn 2 năm qua, tòa nhà 17T2 - tổ hợp chung cư cao cấp Hapulico đóng tại địa bàn Thanh Xuân Trung - nơi được UBND quận Thanh Xuân chọn triển khai mô hình “Tổ dân phố, khu dân cư điện tử” đã trở thành địa chỉ tin cậy của người dân mỗi khi cần làm thủ tục hành chính (TTHC). Từ khi có “Tổ dân phố, khu dân cư điện tử”, công dân có thể nộp hồ sơ hành chính bất cứ lúc nào (kể cả buổi tối, thứ Bảy hay Chủ Nhật) và chỉ cần một lần đến trụ sở quận, phường nhận kết quả.

 

Việc này đã góp phần đáng kể giảm thời gian và chi phí cho người dân. Còn tại phường Hạ Đình (phường đầu tiên của quận Thanh Xuân) triển khai mô hình “Tổ dân phố, khu dân cư điện tử”, việc kê khai, làm TTHC của người dân đã đi vào nền nếp. Không chỉ tạo sự thuận tiện, tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân, mô hình còn tạo lập cho họ thói quen giao dịch TTHC trực tuyến.

Theo lãnh đạo phường Hạ Đình, việc vận hành khu dân phố điện tử tại khu dân cư hầu như phường không phải bỏ kinh phí cũng như con người. Vì kinh phí để vận hành khu dân cư điện tử đều từ nguồn xã hội hóa. Về con người, hiện phường đã vận động được 6 tình nguyện viên sinh sống tại chính các khu dân cư, tổ dân phố tham gia hướng dẫn mỗi khi có công dân làm TTHC. Mô hình này cũng là sợi dây kết nối để tạo nên những “Công dân điện tử” và Chính quyền điện tử trong tương lai.

Hiện mô hình “Khu dân cư, tổ dân phố điện tử” đang được triển khai tại nhiều quận huyện như Bắc Từ Liêm, Hà Đông… Cùng với các quận, huyện, các Sở, ngành cũng tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong thực hiện các TTHC cho người dân. Điển hình là Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã triển khai thêm dịch vụ công mức độ 4 đối với thủ tục cấp giấy phép lái xe quốc tế.

Công dân truy cập vào trang web www.dichvucongdoigplx.hanoi.gov.vn có thể gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép ở bất kỳ đâu, bằng bất kỳ thiết bị nào có kết nối mạng. Họ có thể lựa chọn hình thức nhận kết quả tại nhà, thực hiện thanh toán trực tuyến thông qua giải pháp thanh toán của VietinBank hoặc nộp phí dịch vụ trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Sở Giao thông Vận tải. Trên trang web này còn có video hướng dẫn các bước thực hiện và có địa chỉ thư điện tử, số điện thoại để hỗ trợ trực tuyến. Người nộp hồ sơ cũng có thể tra cứu tiến độ hồ sơ của mình.

Ðể việc triển khai DVCTT được hiệu quả, bên cạnh cơ sở hạ tầng về công nghệ, rất cần sự nỗ lực, chủ động của từng cán bộ, công chức trong việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân ứng dụng cách thức mới. UBND quận Hà Ðông đã chỉ đạo mở 34 điểm hỗ trợ sử dụng dịch vụ tại 17 phường. Mỗi điểm đều được trang bị đầy đủ thiết bị kỹ thuật như máy tính, máy in, kết nối mạng, bàn ghế… Không chỉ trong ngày làm việc mà các ngày thứ Bảy, Chủ nhật, các cán bộ trẻ trên địa bàn quận Hà Ðông trực tiếp túc trực tại 34 điểm này để giúp người dân thực hiện DVCTT.

Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội cũng đã đưa việc thực hiện DVCTT của Thành phố vào nội dung giảng dạy cho học sinh THCS. Tại các quận: Long Biên, Thanh Xuân… chính quyền địa phương đã phối hợp các trường đã tổ chức lớp học về DVCTT cho các em học sinh lớp 8. Trên nền tảng tin học đã có, các em học sinh có thể giới thiệu và hướng dẫn cho ông bà, bố mẹ, người thân sử dụng các dịch vụ công trên máy tính hoặc điện thoại.

Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương cho biết, bây giờ người dân có thể ngồi bất cứ nơi nào khai báo thủ tục và chỉ phải đến cơ quan công quyền nhận kết quả một lần. “Quá trình triển khai, chúng tôi nhận thấy người dân tự nhập ở nhà rất khó nên đã khảo sát tại các phường. Trong 10 người được khảo sát, có phường chỉ có một người dân có thể nhập dữ liệu tại nhà.

Chính vì vậy, chúng tôi đã lựa chọn đưa giải pháp tuyên truyền tới nhà trường, đối tượng chúng tôi chọn là học sinh cấp 2. Lứa tuổi này, việc tiếp cận và ứng dụng CNTT rất nhanh. Sau thời gian triển khai, kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ người dân có thể tự nhập dữ liệu tại nhà đã tăng lên. Nhiều phường có tỷ lệ 6 - 7 người dân/10 người dân được khảo sát (tỷ lệ 60-70%) không phải đến phường làm TTHC”, bà Đinh Thị Thu Hương chia sẻ.

Chất lượng giải quyết TTHC được nâng cao

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, thời điểm hiện tại, toàn Thành phố đã có 1.055 DVCTT (trong đó có 916 DVCTT mức độ 3 và 139 DVCTT mức độ 4) bao gồm các DVCTT tiếp nhận từ các Bộ, ngành, các DVCTT do đơn vị tự triển khai và thành phố triển khai trên Cổng dịch vụ công dùng chung.

Hiện có 761 DVCTT đang vận hành chính thức và 294 DVCTT đã xây dựng, đang vận hành thử nghiệm. Đáng chú ý, mức độ giải quyết hồ sơ trực tuyến đã đạt 98 - 100% với 500.000 hồ sơ được xử lý qua mạng, tạo thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp. Đến nay, nửa triệu hồ sơ trực tuyến đã được thực hiện, việc lưu trữ quản lý đạt hiệu quả cao và thuận tiện hơn cho người dân.

Tại khu vực tiếp nhận và giải quyết TTHC, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, người dân tuần tự xếp hàng làm thủ tục. Họ không còn băn khoăn, lo ngại như nhiều năm trước.

Ông Vũ Văn Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Long (quận Hoàng Mai) cho biết, nếu như trước đây, TTHC là một ái ngại đối với doanh nghiệp khi đến các cơ quan công quyền thì nay đã khác. Thay vì mất thời gian từ ngày này qua ngày nọ, thậm chí tuần này qua tháng khác với tinh thần phục vụ chưa cao của cán bộ, công chức, sau thời gian cắt giảm, siết chặt kỷ cương, người dân và doanh nghiệp đang nhận được sự “đối xử” công bằng khi đến làm TTHC.

Đến bộ phận “một cửa” của UBND quận Hai Bà Trưng để nhận bản sao trích lục giấy khai sinh cho con, chị Ngô Thị Thuỷ cho biết đã làm thủ tục đăng ký qua mạng và trong vòng một ngày nhận được kết quả.

“Nếu trước đây, muốn đăng ký TTHC phải đến trực tiếp cơ quan Nhà nước nhận phiếu theo thứ tự, chờ cán bộ tiếp nhận hồ sơ thì nay, với phương thức DVCTT mức độ 3, mọi việc liên quan đến TTHC, tôi có thể thực hiện ở nhà hay ở cơ quan đồng thời có thể theo dõi, giám sát được tình trạng giải quyết hồ sơ. Thậm chí, tôi có thể đăng ký sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, kết quả được trả tận nhà. Việc này đã tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí đi lại…”, chị Thuỷ cho biết.

Phó Chánh văn phòng UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thuỳ Dương cho biết, quận Hai Bà Trưng là đơn vị đứng đầu Thành phố trong việc giải quyết các TTHC, 99% hồ sơ được trả đúng hạn. Trong đó DVCTT ở mức độ 3 đã triển khai 12 dịch vụ thuộc lĩnh vực tư pháp, thông tin truyền thông và quản lý đô thị.

Một số TTHC đã được rút ngắn thời gian so với quy định. Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các hộ kinh doanh cá thể được thực hiện ngay trong ngày; việc chứng thực lĩnh vực tư pháp tại quận và phường cũng được thực hiện ngay trong ngày. Đáng chú ý, việc cấp bản sao trích lục khai sinh, khai tử, kết hôn được thực hiện chỉ trong một ngày.

Có thể nhận thấy, những chỉ đạo quyết liệt của Thành phố trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách TTHC và tăng cường ứng dụng CNTT để nâng cao chất lượng giải quyết TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp đã giảm bớt phiền hà, nhũng nhiều; góp phần thay đổi phương thức quan hệ giữa chính quyền và người dân.

Nhằm tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, CCHC theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, năm 2019, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu 100% dịch vụ công phải được thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 (trong đó 35% phải thực hiện mức độ 4). Đây được coi như một bước đi quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính quyền điện tử, tiến tới xây dựng thành phố Hà Nội thành Thành phố thông minh./.

Laodongthudo.vn

Bản đồ số

Bình chọn Bình chọn

Khả năng đáp ứng thông tin của Cổng TTĐT ?