Skip to Content
GIỚI THIỆU CHUNG
TIN TỨC - SỰ KIỆN
Cải cách hành chính















ĐƯỜNG DÂY NÓNG

UBND Quận

Tiếp công dân

024.62933647

Giải quyết TTHC

024.38585652

An toàn thực phẩm

0868216873

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

User Online: 24935
Access in week: 129874
Access in month: 355198
Access in year: 1026649
Total visited: 15390267

VĂN HÓA - XÃ HỘI VĂN HÓA - XÃ HỘI

Người đàn ông khiếm thị tìm thấy ánh sáng trong bóng tối
Publish date 10/02/2025 | 15:06  | Lượt xem: 79

Đang ở đỉnh cao sự nghiệp, anh Nguyễn Tiến Thành - Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân, bất ngờ phải đối mặt với cú "sốc" khi không thể giữ được đôi mắt: "Lúc đó, tôi thực sự sốc, đến mức rơi vào trầm cảm”.

"Không còn đôi mắt, tôi nghĩ thế là đời mình hỏng rồi!"

Trên hành trình thiện nguyện, gặp gỡ nhiều hoàn cảnh phụ huynh, các cháu học sinh khiếm thị đang theo học tại Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, PV Dân Việt được kết nối với "bác Thành" - anh Nguyễn Tiến Thành với tình cảm yêu mến. "Bác Thành" đã hỗ trợ không ít em học sinh nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, có tiền phẫu thuật mắt.

Đặc biệt hơn khi "bác Thành" cũng là người khiếm thị. Nếu không tìm hiểu trước, khi gặp anh Thành lần đầu với nụ cười hiền hậu, phong thái tự tin, cái bắt tay ấm nóng thì ít ai có thể nhận ra anh không còn nhìn thấy gì nữa.

Anh Nguyễn Tiến Thành - Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân đã giúp đỡ nhiều người khiếm thị có tiền phẫu thuật mắt.

Trong cuộc trò chuyện, anh Thành chia sẻ, trước đây, anh từng tốt nghiệp đại học khối Kinh tế. Sau đó, anh làm ở một cơ quan báo chí và tiếp tục học thêm nghiệp vụ báo chí ở Học viện Báo chí - Tuyên truyền. Thế nhưng, những cơn đau mắt đã khiến bao ước mơ, đam mê của anh phải dừng lại.

"Tôi rất mê viết lách, đi nhiều, viết nhiều. Đúng vào thời điểm sung sức nhất, năm 2009-2010, thấy mắt bị đau, giảm thị lực, đau đầu, cũng chỉ nghĩ do làm việc, thức đêm nhiều nên uống mấy viên thuốc cảm cúm. Nhưng mắt càng đau hơn như bị kim châm, sưng vù, vào viện cấp cứu thì bác sĩ chẩn đoán bị tăng nhãn áp glocom.

Sau đó, tôi được phẫu thuật, hết đau nhưng thị lực chỉ còn 1-2/10. Mấy tháng điều trị tiếp, tôi lại đau, lại mổ, mắt nhìn mờ mờ, vẫn thấy máy tính nhưng không thể đi xe máy được nữa.

Đầu năm 2011, tôi sang Singapore khám, phẫu thuật nhưng tới cuối năm lại đau, không thể chịu nổi. Tôi vào viện mổ nốt lần cuối, sau đó, mắt không còn đau nữa nhưng thị lực về 0 luôn. Tổng cộng tôi trải qua 6 lần phẫu thuật mắt nhưng không nhìn được ánh sáng, may là vẫn còn giữ được khuôn mắt" - Anh Nguyễn Tiến Thành - Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân chia sẻ cùng Dân Việt.

Anh cho biết, đối với một người bình thường, đang khỏe mạnh và có những bước tiến vững chắc trong sự nghiệp, bỗng nhiên mất đi đôi mắt, nỗi đau về tinh thần sẽ rất nặng nề.

"Khi bị mù, tôi sốc lắm, có thể nói là trầm cảm. Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp cũng sốc, buồn, luôn động viên tôi. Nhưng bản thân mình nghĩ thế là "hỏng cả cuộc đời rồi".

Anh Nguyễn Tiến Thành trao quà cho Hội viên và các nhà hảo tâm đồng hành cùng Hội Người mù quận Thanh Xuân năm 2024.

Đầu năm 2012, khi tròn 30 tuổi, anh Thành được bạn bè giới thiệu tới Hội Người mù quận Thanh Xuân và sau đó được cử đi học tại Hội Người mù Việt Nam. Các ngày trong tuần anh ăn học, sinh hoạt nội trú ở Hội, cuối tuần mới về. Tại đây, anh được quen biết nhiều người cùng cảnh ngộ tới từ mọi miền của Tổ quốc. Anh được học chữ nổi, tin học, kỹ năng quản lý, kỹ năng di chuyển...

"Một năm đó cho tôi hiểu khuyết tật mắt là khổ nhất, nó kéo theo "khuyết tật" vận động, giao tiếp... Ví dụ, khi ra đường thì chỉ biết đứng im, ngồi cạnh ai đó cũng rất khó mở lời vì không biết đó là nam hay nữ, độ tuổi ra sao, chẳng lẽ cứ quay qua quay lại hỏi "ai đấy" thì ngại quá!

Không chỉ mình, còn nhiều người khổ hơn khi họ vừa khuyết tật mắt, vừa có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, có người chẳng có gia đình... Ngay từ thời điểm đó, tôi tự nhủ sẽ phải làm điều gì đó giúp đỡ chính bản thân mình và mọi người. Mình thấu hiểu họ nên càng cố gắng quyết tâm làm những gì tốt nhất để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ về cả vật chất và tinh thần" - Anh Thành chia sẻ.

"May mắn, tình yêu cho tôi thêm động lực"

Tìm thấy ánh sáng trong bóng tối, anh Thành vận dụng tối đa những hiểu biết, kỹ năng báo chí trước đây để làm cộng tác viên cho kênh VOV Giao thông với chương trình "Niềm tin ánh sáng" dành riêng cho người khiếm thị. Cùng lúc đó, Tạp chí Thương Trường mở chuyên mục Nhân ái và anh Thành cũng tham gia công tác từ thiện, viết bài chân dung về những người khuyết tật, khiếm thị vươn lên trong cuộc sống.

Anh Nguyễn Tiến Thành hạnh phúc bên tổ ấm cùng vợ và hai con gái sinh đôi. 

Nói về mái ấm của mình, anh Thành tự hào kể: "Duyên cũng đến với tôi trong những thời điểm khó khăn nhất. Đó là trong những lần tôi đi tác nghiệp, khi mắt đã giảm thị lực, cô ấy hỗ trợ đưa đón, giúp tôi chuẩn bị micro, điện thoại, chụp ảnh giúp. Tình cảm của chúng tôi nảy sinh rất tự nhiên, cứ như "mưa dầm thấm lâu" vậy. Cuối năm 2014, chúng tôi nên vợ nên chồng và giờ hai bé gái sinh đôi đã 10 tuổi".

Có hậu phương vững chắc giúp anh yên tâm tập trung công tác tốt, giúp đỡ thêm nhiều người và cố gắng để mang lại một cuộc sống tốt cho vợ con. Năm 2019, anh được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội người mù quận Thanh Xuân. Mới đây, anh tái đắc cử Chủ tịch Hội người mù quận.

Dù không còn ánh sáng từ đôi mắt nhưng ánh sáng từ trái tim tiếp tục dẫn lối anh trên hành trình thiện nguyện.

"Có lần đoàn từ thiện từ miền Nam ra, họ đi tặng kính cho người khiếm thị ở Sơn La, Lào Cai. Có lẽ do tập trung vào công việc và chưa có kỹ năng dẫn dắt người khiếm thị nên họ đi nhanh quá, khi gặp chướng ngại vật mới "nhớ ra tôi", quay lại thấy tôi cứ "một mình một gậy" khua lung tung dò đường đi theo.

Nhưng đến khi phỏng vấn thì tôi lại hỏi được những câu hỏi rất gần gũi với người khiếm thị. Bạn biết đấy, phóng viên phải quan sát nhiều, tiếp nhận thông tin rất nhiều bằng mắt, mình khiếm thị là hạn chế rất lớn. Nhưng tôi làm âm thanh, phỏng vấn trực tiếp nên cũng có những lợi thế về việc thấu hiểu đối tượng được phỏng vấn, họ cũng dễ dàng chia sẻ với tôi hơn, có thêm niềm tin vươn lên trong cuộc sống khi tôi là người cùng cảnh ngộ".

Khi được hỏi về việc xin hỗ trợ kinh phí phẫu thuật mắt cho những người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn, anh Thành cho biết: "Tôi thấy mình may mắn khi làm mảng này. Tôi xin tài trợ từ các doanh nghiệp từng quen biết khi mình còn là phóng viên, họ đều tin, ưu ái và hỗ trợ tối đa. Trong thời gian qua, tôi hỗ trợ nhiều trường hợp không chỉ ở trên địa bàn quận, mà còn mở rộng ra huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa (Hà Nội).

Có một vài trường hợp học sinh khiếm thị vùng cao, qua kết nối, các em được đưa xuống Hà Nội học. Làm cầu nối đưa những nhà hảo tâm đến với những hoàn cảnh khó khăn là tôi mừng lắm rồi!".

Ông Hoàng Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Phụ trách Hội Người mù Hà Nội: "Hội Người mù quận Thanh Xuân là đơn vị mạnh của Thành phố, đặc biệt năm 2024, Hội đứng thứ Nhất về thi đua. Đánh giá đó cũng đủ nói lên vai trò, đóng góp của anh Nguyễn Tiến Thành với vai trò người đứng đầu.

Anh Thành có thế mạnh về nhiều mặt như: Anh Thành có kiến thức báo chí, có thế mạnh về truyền thông, kết nối tốt với các nhà tài trợ để chăm lo tốt đời sống vật chất cho hội viên... Anh Thành có nhiều đổi mới sáng tạo trong hoạt động Hội, tổ chức nhiều loại hình CLB, các chuyên đề, thu hút được sự tham gia hứng khởi của hội viên. Ví dụ như cuộc thi trang điểm không gương dành cho phụ nữ, kết nối được với một số trung tâm tổ chức sự kiện, các nghệ sĩ cùng tham gia một số hoạt động giao lưu với Hội người mù quận Thanh Xuân.

Nhìn chung, anh Thành là một người năng động, sáng tạo, làm việc có hiệu quả, là một điển hình trong công tác của Hội".

(https://danviet.vn/ban-linh-cua-nguoi-dan-ong-khiem-thi-tim-thay-anh-sang-trong-bong-toi-20241204082845635.htm)

Bản đồ số














Bình chọn Bình chọn

Khả năng đáp ứng thông tin của Cổng TTĐT ?